Tìm hiểu về các loại da động vật trong ngành thuộc da

Bất kì ai yêu thích da và đồ da cũng từng bị rối bởi quá nhiều loại da, chất da, màu sắc và đặc tính riêng của từng loại. Đặc biệt với những ai chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu về da – thì sự đa dạng và rộng lớn về kiến thức cũng có thể khiến người đó cảm thấy như lạc vào một mê cung thực sự. Nhằm mục đích hỗ trợ khách hàng hiểu sâu hơn, chúng tôi đã thực hiện chuỗi bài viết này, hệ thống lại thông tin và kiến thức cơ bản về da và cả ngành công nghiệp sản xuất da.

1. Các loại động vật thường được khai thác da:

• Da bê: một trong những loại da tốt nhất cho mọi nhu cầu, vì sự dẻo dai, đa dạng về độ dày và màu sắc. Một trong những tính năng tốt nhất là khả năng nhuộm màu của nó. Da bê mộc có màu sáng, có thể được nhuộm cho tối hơn, dải màu nhuộm phong phú hơn so với màu da mộc nguyên thủy. Da bê cũng thường được sử dụng để tạo bề mặt giả các loại da động vật và bò sát khác.

• Da bò: da bò mộc có bề mặt tối màu và bóng hơn da bê, thích hợp để nhuộm hoặc chạm khắc. Đây là loại da phổ biến nhất, được sử dụng rộng rãi cho nhiều mục đích sử dụng.

• Da cừu: mềm, mỏng và đàn. Da cừu tiếp tục được phân biệt thành da cừu non và da cừu trưởng thành. Da cừu non là loại da mỏng nhất, mềm và đặc biệt dẻo. Loại da này thường được sử dụng để làm găng tay vì có thể mang lại cảm giác tự nhiên nhất cho người sử dụng. Với giá thành không cao, da cừu là một lựa chọn không tồi dành cho các bạn muốn thử làm đồ handmade. Da cừu cũng có thể được xử lý để làm giả vân da của các loại động vật khác.

• Da dê: có hàm lượng cật dày và chặt chẽ, vì vậy mang lại đặc tính lớn nhất là dẻo. Da dê thường xuyên được sử dụng trong ngành sản xuất công nghiệp và thủ công sử dụng nguyên liệu là da thuộc.

• Da lợn: đặc điểm được đánh giá cao nhất ở da lợn chính là giá thành rẻ, dễ dàng mua được tại các nước. Da lợn thuộc có đặc tính thô, cứng và thường được sử dụng cho các sản phẩm cần tính chất này.

• Da các loại bò sát: cá sấu, rắn và trăn là đại diện tiêu biểu nhất trong nhóm này. Điểm đặc biệt của chúng là lớp da có vảy sừng và vân rất rõ rệt. Chúng thường có giá thành cao và được sử dụng để tạo nên những phụ kiện cao cấp, chú trọng yếu tố thời trang như túi xách, giày, ví, thắt lưng.

• Da một số loại cá: cá mập, cá đuối,… Da cá mập được khai thác với sản lượng tương đối hạn chế, có vân dày và to, ngày càng được yêu thích và sử dụng nhiều hơn cho các sản phẩm nhỏ như dây đồng hồ, ví. Da cá đuối là loại da đặc biệt nhờ lớp hạt canci trên bề mặt. Để có một sản phẩm da cá đuối đẹp, người thợ phải mài các hạt canci ngày để lộ ra phần hoa văn đặc sắc không thể tìm thấy ở bất kì loại da nào khác.

2. Phân loại chất lượng các vùng da được sử dụng:

Thông thường, chất lượng da thuộc phụ thuộc vào vùng da trên cơ thể con vật và mức độ cật xét trên bề mặt da.

Phân loại chất lượng theo vùng da: 1 con da có thể được chia thành các phần: vai, bụng, mông, hông, lưng. Mỗi vùng da sẽ có những đặc tính khác nhau về chất lượng da. Chất lượng da tốt nhất là phần lưng, vai và càng giảm dần khi đi ra ngoài con da.

Phân loại chất lượng theo bề mặt da: theo hình minh họa, da động vật thu được có thể chia tách thành 3 lớp với chất lượng tốt nhất là da bề mặt (Full grain – da mặt cật) với độ đàn hồi cao nhất, các tính chất tối ưu của da được giữ nguyên ở lớp da này. Tiếp theo là Top grain, không còn giữ được bề mặt nguyên thủy của con da, tuy nhiên độ đàn hồi và các ưu điểm của da vẫn được giữ ở mức cao do. Lớp da cuối cùng có chất lượng thấp nhất và thường phải qua một số bước gia cố cấu trúc để tăng độ bền và tính thẩm mỹ của lớp da này.

2.1. Genuine Leather

Đây là cụm từ thông dụng nhất mà bạn có thể bắt gặp trong mọi văn bản liên quan về da, các bản giới thiệu sản phẩm từ nguyên liệu da,… Nó có nghĩa là da thật, để chỉ chung về tất cả các lớp da, vùng da của con vật. Mỗi lớp da có những đặc tính và chất lượng khác biệt nhau. Bởi vậy, dùng từ Genuine leather để chỉ da thật là đúng, nhưng chưa đủ. Vì nó quá chung chung, trong khi mỗi vùng da lại có sự chênh lệch đáng kể về tính thẩm mỹ, độ bền và giá thành.

Theo đó, các nhà sản xuất da, sử dụng chất liệu da vẫn thường dùng cụm từ này để giới thiệu về chất liệu da thật của họ. Nhưng nó thường là những mảnh da ở lớp thứ 3 với chất lượng không phải là tốt nhất. Trong tiếng Việt, có một từ có thể biểu thị chính xác lớp da này, chính là “da ruột”. Chúng vẫn là da thật, chắc chắn! Nhưng chất lượng không phải là tốt nhất, độ bền kém hơn so với các lớp da phía trên. Một cách đơn giản nhất để phân biệt loại da này là chúng không thể lạng mỏng được. Ở độ dày 0.6mm trở xuống, chúng rất yếu ớt và thậm chí dễ bị xé rách. Tuy vậy, chúng vẫn có giá trị nhất định và hiển nhiên là cao cấp hơn các loại chất liệu giả da.

2.2. Top grain

Lớp da mà bạn sẽ được biết đến nhiều nhất trong thực tế ứng dụng. “Grain” trong ngành công nghiệp da được dịch nôm na là “cật” – thành phần cấu tạo nên lớp da, quyết định độ bền chắc của chất liệu này. Top grain là lớp da thứ hai mà con người có thể chia tách từ mảnh da động vật, lớp da top grain có đặc tính mỏng nhưng dẻo, chắc, các liên kết chặt chẽ hơn hẳn lớp da phía dưới nó. Lớp da này chống vết bẩn tốt hơn lớp trên cùng và độ bền cao hơn lớp dưới, với giá thành phù hợp hơn cho sản xuất tập trung.

2.3. Full grain

Lớp da trên cùng của con vật – là lớp da chất lượng nhất trong ngành.
Đam mê chất liệu da, Mens có thể phân tích hàng giờ về lớp da này và những ưu điểm của nó, cũng như vẻ đẹp mê hoặc mà nó mang lại cho người dùng. Tuy vậy, đối với những bạn mới tìm hiểu về da, chúng tôi sẽ tóm tắt đặc tính của lớp da này ngắn gọn trong các ý dưới đây:
– Có nghĩa tương đương là “nguyên cật” – tức là lớp da chứa các liên kết chặt chẽ nhất của mảnh da.
– Dù mỏng vẫn bền, dẻo, chắc chắn, ổn định.
– Giữ lại nguyên vẹn các dấu tích trên cơ thể con vật như thẹo, nốt, lỗ chân lông,…
– Giá thành cao nhất trong 3 lớp và là lớp da tuyệt vời nhất cho mọi nhu cầu sử dụng.

Trên đây là các thông tin, kiến thức phân biệt cơ bản về các lớp da sau khi thu hoạch được mảnh da động vật. Các lớp da này sẽ được đưa vào quy trình thuộc, nhuộm màu và xử lý để trở thành các mảnh da thành phẩm hoàn chỉnh làm nguyên liệu trong các ngành sản xuất túi, ví, thời trang may mặc, nội thất, ô tô,…

Mens hẹn gặp lại các bạn ở các bài viết sau để giới thiệu lần lượt về các quá trình thú vị này.